Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

MỘT CON NGƯỜI UYÊN BÁC VÀ BÌNH DỊ
PGS.TS.TTND. Đại tá Nguyễn Kim Nữ Hiếu
Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108

Ngày 17/6/2014 tôi được dự buổi Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư. Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doãn trong không khí trang nghiêm, ấp áp và đầy tình cảm. Hôm đó, tuy thời gian ngắn ngủi, song tôi đã được gặp các thầy, các bạn đồng nghiệp và các em học sinh của thầy qua các thế hệ. Tôi cũng được nghe họ nói về thầy với cả tấm lòng trân trọng. Tất cả các thế hệ đều ghi nhận: “Giáo sư Nguyễn Ngọc Doãn sống một cuộc sống nhân hậu, giản dị, trong sáng và lạc quan yêu đời. Ông đã hết lòng tận tụy vì người bệnh, vì học trò và vì sự phát triển của ngành quân y nói riêng và nền y học Việt Nam nói chung. Ông là một người thầy thuốc giàu tài năng, đức độ, tận tình, một nhà khoa học uyên bác, khiêm tốn và dễ gần gũi. Những đức tính quý báu đó khiến cho những người đã tiếp xúc hoặc làm việc với ông, dù là đồng nghiệp, học sinh và thương binh, bệnh binh đều kính yêu ông, coi ông như người cha, người bác trong gia đình”. Vì vậy, tôi không giám viết nhiều, mà chỉ muốn kể lại một số mẩu chuyện về Giáo sư.
Tháng 5/1965, tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp Bác sỹ ở Đại học y Hà Nội. Lúc đó, Đế quốc Mỹ bắt đầu chiến tranh leo thang ra miền Bắc, thế là chúng tôi 100 sinh viên Y6 đều xung phong nhập ngũ. Chúng tôi được phân công về các đơn vị quân đội. Cuối năm 1965, tôi từ Viện quân y 109 được chuyển về đội điều trị 11, sau đó về Viện quân y 108. Khi tôi về nhận công tác ở Viện, anh Nguyễn Ngọc Doãn đã là Viện Phó. Hồi đó chúng tôi quen gọi là Anh, vì tất cả cán bộ còn trẻ và không nhiều, sống rất gần gũi nhau, không có sự phân biệt, song rất tôn trọng nhau. Trong bài viết này, tôi cũng xin được dùng từ Anh như cách xưng hô thân mật trước đây.
Những năm đầu về Bệnh viện, từ năm 1966 đến đầu năm 1968, tôi làm việc ở Khoa A1 (Khoa cán bộ cao cấp của Quân đội). Khi tình hình ở Hà Nội căng thẳng, tôi được phân công phụ trách bệnh nhân của Khoa trên khu sơ tán ở huyện Lập Thạch – Vĩnh Phú. Khoa chúng tôi cùng với Khoa A6 (Khoa không quân) nằm riêng trong một khu rừng lim rất rộng. Toàn bộ các khoa nội – ngoại của Bệnh viện nằm ở bên cạnh khu rừng. Theo định kỳ Anh Doãn thường lên điểm bệnh ở các khoa, đặc biệt ở Khoa cán bộ cao cấp. Những bệnh nhân khó, nặng đều được tổ chức hội chẩn kịp thời. Chúng tôi, những bác sỹ trẻ rất mong đến  những ngày đó, luôn chuẩn bị bệnh án chu đáo, tỷ mỷ để trình bầy với Anh. Biết Anh rất quan tâm đến triệu chứng chủ quan, khách quan cũng như điều kiện, hoàn cảnh sinh hoạt của bệnh nhân nên tôi đều tìm hiểu trước để trả lời. Anh lắng nghe báo cáo của chúng tôi và nghe cả ý kiến của bệnh nhân sau đó mới thăm khám tỷ mỷ và đưa ra những kết luận về chẩn đoán, điều trị, chế độ ăn uống, sinh hoạt. Với cách khám đó, bệnh nhân cảm thấy rất thoải mái. Khi chiến tranh ngày càng khốc liệt, có trường hợp bệnh đã khỏi nhưng không muốn ra viện. Tôi mạnh dạn báo cáo với Anh để Anh biết tâm lý của bệnh nhân. Anh nói với tôi: “Khi đi điểm bệnh, cô mang theo khay tiêm vô trùng và Vitamin B12 nhé!”. Tôi chưa hiểu ý Anh xong cứ làm theo. Hóa ra khi đi khám, Anh khám tỷ mỉ, chu đáo, hỏi bệnh nhân đau ở đâu. Khi Anh biết chính xác không có bệnh gì quan trọng, anh bấm huyệt cho bệnh nhân và châm vào huyệt chỗ đau. Sau đó bác sỹ và bệnh nhân cùng cười. Từ đó rất ít khi có trường hợp bệnh nhân đã khỏi mà vẫn ngại ra viện; hầu hết đều an tâm trở về đơn vị công tác. Với sự chăm lo chu đáo cho bệnh nhân, cách khám bệnh, cách hỏi bệnh, cách lập luận trong chẩn đoán và điều trị của các bác sỹ thời bấy giờ như bác sỹ Nguyễn Ngọc Doãn, bác sỹ Bùi Đại, bác sỹ Phạm Tử Dương v.v là những bài học đầu tiên của tôi khi bước vào nghề và theo tôi trong suốt cuộc đời để làm trọn trách nhiệm và y đức của người Bác sỹ.
Tôi còn nhớ một mẩu chuyện: vào năm 1967, chuẩn bị Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Ở trên có đề nghị hai Bác sỹ Phạm Gia Triệu và Bác sỹ Nguyễn Ngọc Doãn làm bản thành tích để phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Hôm đó Anh Doãn lên Khu sơ tán, vì trời mưa nên hai anh em đứng ở vỉa hè dưới mái nhà tranh, tôi có hỏi Anh: “Anh đã làm bản thành tích chưa?” Anh từ tốn trả lời tôi: “Cô biết đấy, thời chiến cần chú ý đến các bác sỹ ngoại khoa nhiều hơn, nên lần này tôi chưa làm và cũng cần tập trung cho Anh Triệu là nhà ngoại khoa tài năng xứng đáng, như vậy sẽ tốt hơn”. Năm đó Anh Phạm Gia Triệu được phong Anh hùng lực lượng vũ trang.
Năm 1972 tôi đi Chiến dịch Quảng Trị theo diện B ngắn. Tôi đang lúng túng không biết sẽ gửi ai lĩnh lương hộ để gửi về cho bố mẹ và chồng tôi. Anh Doãn nói với tôi: “Cô cứ viết giấy là đề nghị để tôi lĩnh cho cô, tôi sẽ đưa về cho chồng và bố mẹ cô”. Thật bất ngờ!, vì khi đó Anh là Viện phó và lại chưa đến nhà tôi lần nào mà lại trả lời một cách bình dị như vậy. Anh luôn sẵn lòng giúp đỡ khi cán bộ dưới quyền đang gặp lúng túng.
Ngày còn học ở trường Y, những năm thứ nhất và thứ hai (1960- 1962) học những môn khoa học cơ bản. Chúng tôi học rất chăm chỉ và hứng thú các môn đó vì hầu như đều được các thầy đầu ngành giảng dạy. Các thầy đã truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức cơ bản, dạy chúng tôi cách học sao cho hiệu quả và luôn hun đúc cho chúng tôi lòng yêu nghề. Trong những môn khoa học cơ bản, tôi hơi sợ môn Dược lý. Xong buổi đầu tiên vào học, tôi thấy có một thầy cao to bước lên bục giảng, nét mặt hiền hòa và mỉm cười chào mọi người. Thầy đã giảng cho chúng tôi ý nghĩa của việc học môn Dược lý và đã có cả những câu chuyện về dược lâm sàng. Chúng tôi nghe rất say xưa, người thầy đó là Nguyễn Ngọc Doãn. Kể từ ngày đó, chúng tôi không còn sợ môn dược lý.
Anh Doãn rất mẫn cảm trong việc chẩn đoán bệnh. Do đã nghe về bệnh sử và hai bàn tay thăm khám bệnh nhân rất kỹ nên Anh mau chóng chẩn đoán đúng bệnh. Nhiều khi chúng tôi vẫn cười với nhau: “Hai bàn tay của Anh như quả chuối mắn, sờ đến đâu là biết bệnh đến đó”. Với các bệnh khó, không chỉ dựa vào cận lâm sàng mà phải dựa vào hỏi bệnh và thăm khám tỷ mỉ. Thời đó làm gì có điều kiện xét nghiệm cận lâm sàng như bây giờ, nên chúng tôi đã học được nhiều kinh nghiệm của các lớp đàn anh trong đó có Anh Doãn.
          Trong cuộc sống đời thường Anh Doãn quá giản dị, luôn đi chiếc xe đạp cũ, mặc quần áo rộng và luôn hút thuốc lá. Có một lần vào buổi trưa, Anh ngồi tự chấm sơn cho chiếc xe đạp bị tróc sơn. Tôi hỏi anh: “Sao Anh không ra hiệu cho đẹp”, Anh nói: “Cái gì mình làm được thì cứ làm lấy vừa tiết kiệm và cũng là niềm vui”. Câu nói đó của Anh giúp tôi thêm nghị lực trong công việc sau này. Trong những năm thời bao cấp, tôi thường gặp Anh lững thững đi đến cửa hàng “Nhà thờ” là cửa hàng dành cho cán bộ có bìa C để xếp hàng mua thực phẩm. Có lần tôi xếp hàng trước nhìn thấy Anh lững thững đi vào, tôi chạy ra nói với Anh đứng vào chỗ tôi, hoặc tôi mua hộ cho Anh. Song Anh: cứ bình thản xếp hàng chờ đến lượt. Hành động đó của Anh, tôi cứ ngẫm ra và hiểu rằng mình phải làm như vậy. Cũng từ đó tôi không bao giờ có ý nghĩ chen hàng và cứ chờ bình thường rồi dần dần sẽ tới.
Năm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh Nguyễn Ngọc Doãn,  Anh ra đi đã 27 năm song hình ảnh của Giáo sư – Thầy thuốc nhân dân – Anh hùng quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doãn vẫn còn ở trong lòng các đồng nghiệp và bệnh nhân thân yêu. Tấm gương của thầy thuốc, thầy giáo, cuộc sống giản dị chân thành, nụ cười thoải mái và một trí tuệ uyên bác, một người cha hoàn hảo trong gia đình sẽ mãi mãi để các thế hệ noi theo.
Hà Nội, ngày 17/6/2014
PGS.TS.TTND. Đại tá Nguyễn Kim Nữ Hiếu
Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108

Bác sỹ Nguyễn Kim Nữ Hiếu trong Chiến dịch Quảng Trị - 1972


Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

TỰ TRUYỆN (bài đăng kí với ban biên tập K5)

Đường sang nước bạn
Mình nhớ mãi không quên, đó là 1 ngày cuối năm 1953, khi gia đình mình đang đang sống ở làng Ai, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hoá, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 60km, bố mình từ ATK về bàn với mẹ mình, cho mình sang Trung Quốc học tập để “bằng chị bằng em” và cũng để mẹ mình bớt vất vả chuyện gia đình mà tham gia công tác ở trường Đại học Y Việt Bắc. Lúc ấy mình còn quá bé để hiểu rằng thế là cuộc đời mình từ đây đã sang trang.
Vui vì được ra nước ngoài ăn học, buồn vì phải sống xa gia đình. Mà với mình gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Số là thế này: Mình bị bệnh lao xương từ năm 6 tuổi, suốt 3 năm dòng phải bó bột từ háng xuống tận bàn chân, lúc tháo bột ra phải tập đứng tập đi như đứa trẻ. Vì vậy mình đau yếu triền miên, lúc nào cũng phải có người thân chăm sóc. Lần này phải xa gia đình, mình lo 1 thì mẹ mình và các chị mình lo 10. Ngày chia tay vì thế càng thêm phần lưu luyến …
Nhóm chúng mình khi đó có 3 người, ngoài mình ra còn có Quốc Anh, Kim Thư, 2 bạn cùng lớp. Chúng mình cuốc bộ xuống thị xã Tuyên Quang rồi luồn rừng để sang Thái Nguyên. “ Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”, năm ấy không hiểu sao trời rét lạ lùng.
Nhưng khi đến Thái Nguyên, ban ngày mải lo tránh máy bay Pháp, ban đêm qua cầu treo Gia Bảy phải bò vì sợ lăn tòm xuống sông Công thì cái rét rừng gió núi bỗng chẳng còn thấm vào đâu. Thế là từ Tuyên Quang đến địa điểm tập kết ở Bắc Sơn chúng mình phải đi mất gần 2 tháng trời. Các cô các chú gửi chúng mình vào nghỉ ở nhà dân trong khi các anh chị lớp Sư phạm cùng sang Trung Quốc lần này phải vào sâu hơn, ở trong hang đá .
Thế rồi vào một buổi chiều, anh Lịch từ ATK đến đưa chúng mình đi tiếp lên Lạng Sơn.
Cuộc hành quân đầu tiên trong đời thật gian nan nhưng cũng đầy kỷ niệm. Đến nay, thật khó hình dung nổi bàn chân bé nhỏ yếu ớt của chúng mình và cả các bạn nữa đã đi qua bao nhiêu con suối, cánh rừng để đến một đêm nhìn lên đã thấy Mục Nam Quan ẩn hiện trong sương núi. Tại đây chúng mình nhập với đoàn Khu 4 (đến bằng ô tô). Trong đoàn có Ngọc Dung, Bích Vân, Oanh và bạn Phan Viết Hồ cùng cậu em ruột là Phan Viết Liệu (sau này khi cùng học Lớp 5 với Hồ mình mới biết 2 người là cháu nội nhà trí sĩ Phan Bội Châu). Ngay nửa đêm chúng mình được các anh chị Trung Quốc bế từng đứa lên xe ô tô rồi chở về Bằng Tường.
Tổ quôc quê hương với hình ảnh căn nhà sàn bên bờ suối, với bóng mẹ dáng cha vai đeo sà cột trên nương sắn nương ngô cứ chấp chờn ẩn hiện trong giấc ngủ, để đến khi tỉnh dậy thì đã là một miền đất xa lạ - thị trấn biên giới Bằng Tường!
Cảnh vật thay đổi nhanh quá. Nhanh đến nỗi thấy máy bay ầm ì trên đầu, vẫn cứ ngỡ là máy bay Pháp đến “bỏ bom”! Cả bọn nháo nhào chui vào cống ẩn nấp. Mấy chú Trung Quốc vừa thương vừa buồn cười, xuống cống dìu từng cháu VN lên …

Tuổi thơ êm đềm
Ở Bằng Tường trời rét buốt thấu xương, mà áo ấm thì chẳng đứa nào có. Nhưng không sao, các chú Giải phóng quân Trung Quốc đã phát cho mỗi đứa 1 chiếc áo bông to đùng, mặc vào trông đứa nào cũng tròn vo như cái nấm! Rồi cả đoàn được lên tàu hoả đi Nam Ninh. Thật là trong mơ cũng không thể có được : tầu to, đẹp và sạch sẽ vô cùng. Trên tầu đồ ăn thức uống đều ngon miệng và thừa thãi. Mình thích nhất được ăn nhiều hoa quả, thứ còn tươi, thứ đã được sấy khô, có nhiều thứ chúng mình chưa từng được ăn bao giờ!
Đến Nam Ninh mình được gặp lại các chị gái mình là Nữ Hạnh, Bích Hà đã sang đây từ năm 1951. Sở dĩ bọn mình được đưa về Nam ninh, vì trường Quế Lâm đã dành để đón các bạn học sinh từ Lư Sơn chuyển về Đến Nam Ninh mình được xếp ngay vào học lớp 5, (mình chỉ nhớ có bạn Thế Dân cùng lớp này). Nói đến việc “được” học lớp 5 mình không thể quên, vì chính cái “được” này mà mình đã phải “ bơi” trong suốt mấy năm cấp 2, có lúc tưởng như đã …đuối sức! 
Chuyện là thế này, khi ở nhà mình bị bệnh nên đi học muộn, đang học chưa hết lớp 4 thì được đi Trung Quốc.Thầy hiệu trưởng tên là Ngọc, linh động ghi luôn cho mình học lớp 5 ! Sướng vui chẳng thấy đâu, ngay giờ học đầu tiên mình đã vấp phải bài toán đố tính diện tích hình vành khăn ( cái giếng ). Trời đất ạ ! Mình có biết gì đâu mà làm bài !!! Thế là từ đó mình đâm ra tự ti, sợ học. Tình trạng này kéo dài suốt cả mấy năm cấp II, mặc dù mình đã hết sức cố gắng mong có được thành tích như các bạn. Mình còn nhớ khi lên Quế Lâm, trường chỉ có 1 Lớp 6 nhưng có 3 Lớp 5 . 5A toàn HS nam nhỏ tuổi, 5B có cả nam lẫn nữ, nhưng nữ nhỏ tuổi hơn. Còn 5C là các anh chị lớn tuổi hơn nữa. Mỗi HS đều mang 1 số danh bạ, mình số 127, Lớp 5B.
Những năm tháng ở Quế Lâm thật sự là những năm tháng đầy ắp kỷ niện yêu thương, hạnh phúc, không bao giờ có thể quên được. Mình nhớ những buổi sinh hoạt nhóm tâm giao cùng với Nguyệt Nga, Thuý Kim dưới bụi hoa trúc đào. Nhớ những chiều hè tắm mát trên dòng Đào Hoa Giang. Lên lớp 7 ở nhóm với Nguyệt Ánh, Ngọc Trâm lại nhớ những “câu chuyện con gái” kể cho nhau nghe bên chảo than hồng những ngày giá rét. Nhiều lúc cũng giận nhau nhưng rồi lại nhanh chóng làm lành . Trái lê cái kẹo cũng nhường nhịn cho nhau, bức thư nhà mới gửi sang cùng nhau đọc ngấu nghiến .
Ở Lớp mình dạo ấy còn có “phong trào” kết nghĩa chị em. Mình kết nghĩa chị em với Tuyết Minh, Lệ Thuỷ, Minh Gương, Thanh Bình. Tuyệt diệu thay, tình nghĩa chị em đến tận bây giờ vẫn còn như nguyên vẹn … Đặc biệt mình với Thanh Mai từ khi chia tay Quế Lâm lại trở thành đôi bạn thân thiết. Nhưng cũng có nỗi buồn, buồn nhất là trường hợp với người bạn thân: Yến Nga! Không hiểu vì lý do gì mà bạn ấy “bặt vô âm tín” suốt hàng mấy chục năm nay. Mình đã tìm nhiều nơi và hỏi nhiều người nhưng đều không biết Nga đang ở đâu? Giờ đây, qua những dòng tâm sự này, nếu bạn nào đọc được, có tin tức gì về Yến Nga xin hãy báo gấp cho mình và các bạn được biết. Yến Nga ơi! Bạn đang ở đâu ? Bạn lên tiếng đi chứ! Chúng mình cầu chúc cho bạn mọi sự bình an và mong sao chúng ta lại được gặp nhau, đừng để câu hát “ Bạn thân yêu nay đang ở đâu ?…” mãi mãi là câu hỏi không có câu trả lời.

Vượt lên chính mình
Sau khi trở về Việt Nam mình học trường cấp 3 Trưng Vương cùng khốí với Kim Trâm, Nguyệt Ánh , Hồng Nga , Nguyệt Nga. Riêng với Thanh Bình thì cùng chung 1 lớp . Năm 1960, vào Đai học Y Dược Hà Nội lại “đồng môn” với Thanh Bình , Xuân Thung,  Thế Kỉ, Hữu Lí, Tuyết Minh (sau đó Tuyết Minh đi Liên Xô). Nhận bằng bác sĩ tháng 12-1965 nhưng cả mấy đứa chúng mình đã nhập ngũ trước khi tốt nghiệp (tháng 5-1965).
Có điều này có khi làm các bạn bất ngờ: Trong thời gian học Đại học Y mình còn học qua 5 lớp điều khiển máy bay thể thao hàng không (khoá 1), do chuyên gia Tiệp Khắc hướng dẫn. Chính vì “tham lam” như thế nên mình học chuyên môn khá vất vả. Với tư cách là 1 sĩ quan quân y, từ khi nhập ngũ mình đã làm việc ở Viện quân y 9, ở đội điều trị 11, đội điều trị 204. Năm 1972 trên chiến trường Trị Thiên, 80 ngày đêm mình có mặt ở đội điều trị 204. Cuối cùng là đầu quân về Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Năm 1989 mình được cử đi học quản lí bệnh viện ở Ba Lan, khi về nước được bổ nhiệm Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 108.
Trải qua 39 năm trong quân ngũ mình nghiệm ra 1điều chính “tinh thần Quế Lâm” đã chắp cánh cho những cố gắng của mình trong học tập và làm việc, đạt được danh hiệu Thầy Thuốc Nhân Dân. Với công việc của Lớp, mình luôn sẵn sàng, bởi cao hơn mọi nhiệm vụ, đó còn là niềm hạnh phúc được mang lại cho các bạn Quế Lâm của mình những điều tốt đẹp trong cuộc sống!
Trên đây là tự truyện của mình, còn chuyện Quế Lâm thì nói chẳng bao giờ hết được.
Xin gửi lời Chào thầy cô và các bạn Quế Lâm thân yêu!
Nữ Hiếu

Hưởng ứng lời kêu gọi của ban biên tập cuốn sách của K5, Hiếu đã sửa lại bài cũ. Đề nghị các bạn góp thêm ý kiến!

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Nhà báo viết về Hiếu


Chuyện tình của hai nhà khoa học
Thuyết phục mãi, PGS. TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu mới đồng ý chia sẻ về câu chuyện về cuộc sống vợ chồng của bà và GS. Nguyễn Lân Dũng. Lý do khiến e ngại là vì bà “không muốn lên báo để kể mãi về câu chuyện gia đình mình, khi mà xã hội vẫn còn nhiều gia đình tiêu biểu”.
Bà nói: “Tôi thường xuyên đọc báo, nghe đài, và thấy thực sự khâm phục những gia đình nông dân nghèo mà vẫn nuôi được 4 -5 người con đi học đại học. Đó là những gia đình mà báo chí thực sự nên tìm để viết”.
Dẫu là vậy, tôi vẫn tha thiết được viết về gia đình bà, một gia đình của những trí thức nổi tiếng, nhưng lại có một cuộc sống đời thường rất gắn bó, giản dị và truyền thống.

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Sổ lao động của PGS Nữ Hiếu

Một thời thanh niên sôi nổi
Những ngày lao động xã hội chủ nghĩa năm 1958-1959 tuy vất vả nhưng đã mang lại cho Nguyễn Kim Nữ Hiếu nhiều trải nghiệm sâu sắc. Cuốn sổ lao động của bà thời gian này đã ghi lại tất cả.
PGS.TS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu sinh ngày 6-12-1942 tại Hà Nội. Quê ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tuổi thơ của Nguyễn Kim Nữ Hiếu gắn với những lần sơ tán cùng gia đình từ Hà Nội lên Làng Ải, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, rồi tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hà Giang, sau đó lại quay về Tuyên Quang (1949) . Vì "ốm yếu" hơn so với các chị em trong gia đình nên Nữ Hiếu phần nào đó cũng được cha mẹ ưu ái hơn, quan tâm hơn.

Một vài kỷ niệm về khoa A4 và người chủ nhiệm

Khi đó cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bước sang một giai đoạn mới Đế quốc Mỹ đã ném bom ở Miền Bắc và ngay cả tại Thủ đô Hà Nội. Tháng 5 năm 1965 khi tôi đang học năm thứ 6 chuyên ngành Tai Mũi Họng (TMH) ở Đại học Y Hà Nội thì chúng tôi ,100 sinh viên đã tình nguyện nhập ngũ.Sau khi vào Viện nghiên cứu Y học quân sự (nay là Học Viện Quân Y) luyện tập hai tháng để mỗi chúng tôi được phân công đến từng đơn vị khác nhau ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Ảnh đi Chiêm Hóa - Tuyên Quang 21-22/10/2012

NHÀ ÔNG PHAN NGUYÊN CHỦ TỊCH CCB
TỈNH TUYÊN QUANG