Trang

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Một vài kỷ niệm về khoa A4 và người chủ nhiệm

Khi đó cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bước sang một giai đoạn mới Đế quốc Mỹ đã ném bom ở Miền Bắc và ngay cả tại Thủ đô Hà Nội. Tháng 5 năm 1965 khi tôi đang học năm thứ 6 chuyên ngành Tai Mũi Họng (TMH) ở Đại học Y Hà Nội thì chúng tôi ,100 sinh viên đã tình nguyện nhập ngũ.Sau khi vào Viện nghiên cứu Y học quân sự (nay là Học Viện Quân Y) luyện tập hai tháng để mỗi chúng tôi được phân công đến từng đơn vị khác nhau ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Tôi được phân công về Viện Quân Y 9 (nay là Bệnh biện Quân Y 109).Tại đây vì có bác sĩ Liễn ở dân y chuyên khoa TMH mới nhập ngũ đang làm ở khoa TMH cho nên tôi được phân công về khoa Chấn thương.Vào thời gian này máy bay Mỹ luôn đánh phá vào khu vực Tam Đảo cho nên thương binh thường chuyển đến bệnh viện vào buổi tối.Thường ngày ban ngày chúng tôi chuyển dụng cụ mổ xẻ vào nhà dân cách khá xa bệnh viện để rồi chiều tối lại gồng gánh đồ nghề trở lại bệnh viện để cứu chữa thương binh.Đến tháng 10 năm 1965,tình hình càng ngày càng trở nên căng thẳng , Đội điều trị 11  (ĐT11) được thành lập để bảo vệ Thủ đô, khi mà tất cả cần đi sơ tán. Tôi được điều động về đội ĐT11 và làm ở khoa Nội tổng hợp (khi đó có 3 bạn cùng lớp là Vũ Toán, Nguyễn Văn Liên và Hoàng Văn Thọ vì là  nam nên được điều vào các khoa Ngoại và Gây mê). Đến năm 1967 khi khoa Cán bộ cao cấp và chuyên gia quân sự nước ngoài (A1) được thành lập tôi lại được điều về đó. Đầu năm 1968 tôi được chuyểnvề khoa Truyền Nhiễm(A4). Đây là môi trường mà tôi đã có những người thầy,những anh chị đồng nghiệp và những chị em hộ sĩ, hộ lý đã hết lòng giúp đỡ tôi để tôi trưởng thành được như ngày nay.
   Khoa A4 khi đó có Tiến sĩ Bác sĩ Bùi Đại làm Chủ nhiệm khoa (CNK),Bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên làm Phó CNK. Tuy đã về công tác ở Viện một thời gian nhưng vì luôn phải thay nhau lên khu sơ tán của Bệnh viện và lại là bác sĩ trẻ cho nên tôi chỉ biết công việc ở trong khoa , và lúc đó chưa lần nào được tiếp xúc với Tiến sĩ Bùi Đại. Ngay từ những ngày đầu về khoa tôi được phân công phụ trách điều trị cho bệnh nhân viêm gan, rồi lần lượt đi vòng các khu như tiêu hóa,sốt rét, viêm màng não, viêm não... Suốt một thời gian dài tôi đã  phụ trách khu Cấp cứu.Khoa A4 chính là một gia đình lớn của tôi trong những năm chống Mỹ cứu nước và đã có biết bao nhiêu kỷ niệm. Nhất là trong thời kỳ chiến sự ác liệt, rồi tới phong trào thi đua "Biến đau thương thành hành động cách mạng" khi Bác Hồ kính yêu qua đời. Một trong những việc làm cụ thể trong phong trào thi đua trên là tổ chức Thao diễn kỹ thuật.Khoa chúng tôi còn luôn hăng hái tổ chức làm tốt các phong trào thi đua của Bệnh viện như : Điều trị đột kích, sử dụng thuốc an toàn hợp lý,những đợt thi đua chào mừng đại hội Đảng,những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, thi đua viết báo tường v.v.v... Thời đó khoa A4 là một trong những khoa luôn dẫn đầu toàn bệnh viện.Chi đoàn thanh niên luôn được khen thưởng, đã được nhận cờ Nguyễn Văn Trỗi trong phong trào thi đua, tổ phụ nữ được đi báo cáo điển hình tại Cục Quân y. Làm sao quên được những anh chị y sĩ, hộ sĩ lớn tuổi như En, Cảnh,Tuất, Bé,Hợi, Nhân,Nhuận,Hữu... Những em hộ sĩ  mới 16 17 tuổi như Bích, Chi, Đào, Hoàn, Vân, Yên, Kê, Liên,Long,Phương, Phương...cùng với anh chị em hộ lý như Ấu, Bích, Hảo,Đàn, Thu, Trạc, Thìn,Lân và sau này là Yến,Huệv..v.v.. những người đã ngày đêm tận tình chăm sóc bệnh nhân.Tất cả những thành tích có được là nhờ toàn khoa luôn luôn đoàn kết nhất trí, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Chi bộ,của các đồng chí Chỉ huy của khoa.Khi nói về những thành tích mà khoa A4 đã đạt được không thể không nhắc đến Tiến sĩ Bác sĩ CNK Bùi Đại.
    CNK Bùi Đại là một người giản dị, luôn gần gũi với cán bộ, nhân viên trong khoa.Với công việc anh  rất nghiêm túc , đặc biệt trong việc quản lý cán bộ , nhân viên trong khoa nhằm chấp hành nghiêm chỉnh tất cả mọi chế độ như :chế độ bệnh án-  một chế độ mà người thầy thuốc lâm sàng không thể thiếu được trong suốt cuộc đời làm việc.Tôi còn nhớ khi anh duyệt bệnh án mà chúng tôi làm ,anh đã sửa rất tỷ mỷ về bệnh sử,khám bệnh và đặc biệt là lập luận trong chẩn đoán và phương hướng điều trị. Vì vậy chúng tôi coi mỗi bệnh án là một bài học để rồi bản thân tôi khi được bệnh viện chấm bệnh án hàng năm bao giờ cũng được khen.Chế độ điểm bệnh đều vào thứ 2 và thứ 5 hàng tuần là chúng tôi thấy thích nhất, vì khi đó chúng tôi nắm được tất cả các loại bệnh trong các khu trong toàn khoa. Mỗi lần điểm bệnh là chúng tôi lại được anh góp cho những ý kiến cụ thể đối với từng trường hợp cả về điều trị cũng như về chăm sóc BN. Rồi còn các chế độ như chế độ cấp cứu, chế độ trực, chế độ kê đơn,chế độ an toàn điều trị,chế độ 3 tra 5 chiếu và đặc biệt là chế độ chăm sóc bệnh nhân nặng......Vì là khoa truyền nhiễm nên chế độ khử trùng, tẩy uế càng  được thực một cách nghiêm chỉnh.Tôi còn nhớ mãi ở trước cửa buồng cấp cứu bao giờ cũng có một chậu nước pha Chloramin B và một bảng danh sách cán bộ nhân viên nhằm theo dõi việc ngâm tay sau khi phục vụ bệnh nhân và trước khi thay quần áo để ra về.Khi đó chúng tôi còn trẻ nên hay coi thường ,nhiều khi nhờ người khác gạch tên hộ.Anh Bùi Đại khi biết được đã nói nhẹ nhàng để chúng tôi hiểu , từ đó chúng tôi luôn thực hiện một cách tự giác.Đối với các bác sĩ, anh Bùi Đại luôn quan tâm đến công tác đào tạo liên tục và đặc biệt là về ngoại ngữ. Cứ chiều thứ 3 hàng tuần là chúng tôi nghe Thầy  giảng những bài cơ bản về bệnh truyền nhiễm và những kiến thức cập nhật nhất.Khi đó chúng tôi rất say xưa nghe anh giảng và ghi chép tỷ mỷ,có những bài chúng tôi tưởng chừng như đã biết hết ,xong thực tế bao giờ chúng tôi cũng nhận được thêm kiến thức mới . Đặc biệt là chúng tôi mỗi người đều có một quyển học bạ,để sau mỗi tháng học đều phải làm bài kiểm tra và ghi điểm nhận xét vào đó. Suốt những năm đầu của cuộc chiến tranh,trong khoa chỉ có 3 bác sĩ điều trị (BS Hoàng văn Diện,BS Lê Kim Quí và tôi).Sau này khoa được bổ sung thêm các bác sĩ ở chiến trường ra như BS Nguyễn Văn Hồ, BS Lê Thanh Phong, rồi có BS Nguyễn thị Điểm từ phòng Y vụ về....Cho đến năm 1972 khi tôi đi chiến trường Quảng Trị, có BS Nguyễn Mai Thanh về và BS Quí lại ra Phòng khám . Sau đó BS Nguyễn văn Âu ở chiến trường B2 ra rồi đi tu nghiệp ở Liên Xô về lại khoa và làm CNK.Vì ít BS nên phải trực liên tục. Quý,Diện và tôi cứ tối thư 5 lại sang nhà anh Đại để học ngoại ngữ. Những bài tiếng Pháp được anh dậy ngay trên quyển sách về bệnh truyền nhiễm để giúp áp dụng ngay vào thực tế.Anh là người đầu tiên xây dựng được trên 30 phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm ở khoa, do đo khi làm bệnh án chúng tôi đã ghi rất  tỷ mỉ trong chẩn đoán . Ví dụ như bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn bao giờ chúng tôi cũng phải chẩn đoán đủ thể bệnh như nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn thể dạ đầy tiểu đại tràng xuất huyết.... Anh Bùi Đại luôn quan tâm tiếp cận những kỳ thuật mới, cho nên khi biết BV Việt Nam- Cuba mới được chuyển giao kỳ thuật soi ổ bụng và sinh thiết gan anh Đại đã cho một kíp của khoa sang học, gồm BS Diện,BS Quí và do anh làm tổ trưởng . Sau khi học đã và về triển khai ngay trong khoa và cũng là khoa đầu tiên trong Viện triển khai kỹ thuật này.Khi triển khai  chúng tôi vẫn phải dựa vào phòng mổ để bảo đảm an toàn.Trong suốt những năm chiến tranh anh đã đi vào ra chiến trường 5 lần. Đó chính là tấm gương để chúng tôi học tập.Cũng vì thế tất cả các bác sĩ trong khoa chúng tôi thời đó đều đã xung phong vào chiến trường , như các BS Nguyễn Xuân Nguyên, Hoàng Văn Diện,Vũ Bằng Đình, Nguyễn Kim Nữ Hiếu... và các y tá như Hưng,Hữu, Phương... Mỗi lần từ chiến trường ra anh Bùi Đại đã nói cho chúng tôi biết tình hình sốt rét của bộ đội ở trong chiến trườngvà  anh thường ấp ủ những đề tài sẽ mang ra ngoài Bắc để nghiên cứu và rồi lại đưa trở lại chiến trường để phổ biến cho các đơn vị để điều trị cho bộ đội. Những đề tài chúng tôi tiến hành nghiên cứu điều trị sốt rét như: chẩn đoán và điều trị sốt rét ác tính thể não, thể đái huyết cầu tố;tìm liều điều trị thuốc phù hợp cho bệnh nhân sốt rét sơ nhiễm, sốt rét dai dẳng sao cho thời gian ngắn và lại chống tái phát bằng viên sốt rét số 2 và số 3,Nivaquine,quinine...dùng DDS trong điều trị sốt rét dai dẳng,tìm liều thuốc Primaquine trong điều trị sốt rét do P.Vivax nhằm giảm bớt tỷ lệ tử vong và mau chóng trả lại quân số để chiến đấu.Và chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu đề tài uống viên SR số 2,số 3 trong phòng sốt rét.Thường xuyên anh còn đưa chúng tôi đi chống các dịch như dịch lỵ, sốt mò, sốt xoắn khuẩn, sốt rét... ở nhiều tỉnh trên miền Bắc,mỗi lần đi là một lần chúng tôi trưởng thành trong chuyên môn và cách ứng sử..Hầu như hàng tuần hoặc hàng tháng cứ sau giờ làm anh Đại cùng một số CNK lại lên đường đi tuyến để chỉ đạo các bệnh viện... Nhờ sự quan tâm đến  đào tạo các bác sĩ trẻ nên chúng tôi có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được báo cáo ở các Hội nghị khoa học của bệnh viện cũng như của Cục Quân y.Song song với việc quan tâm đến đào tạo BS, khoa A4 còn luôn luôn chú ý đến công tác huấn luyện hộ sĩ và hộ lý. Hàng tuần các bác sĩ thay nhau giảng bài về lý thuyết cũng như thực hành , như cách chăm sóc BN nặng,cách sử dụng máy cấp cứu, cách tắm, gội đầu và thay ga cho BN bất động, học và viết tên thuốc, cách đặt sonde cho BN ăn chế độ OT.và triệu chứng lâm sàng của một số bệnh, 5 kỹ thuật cấp cứu.....
Khoa A4 chúng tôi thường xuyên cấp cứu bệnh nhân, nhất là những năm đầu khi chiến tranh trở nên ác liệt. Khi đó toàn bệnh viện hầu như đi sơ tán hết.Vì vậy khoa đảm nhiệm thêm nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân nội khoa với 10 giường bệnh dành cho cấp cứu nội. Chính vì vậy cán bộ nhân viên lúc nào cũng căng thẳng và bận rộn. Khoa đã lần đầu tiên phát hiện ra bệnh giun xoắn trên những BN được đưa từ nước bạn Lào về. Khoa đã sinh thiết cơ bắp chân để tìm giun xoắn, nhờ vậy đã tìm được phương pháp điều trị. Chúng tôi còn rất nhớ trường hợp của BN Nguyễn văn Huấn và Nguyễn văn Tố, khi vào khoa BN sốt  liên tục, cơ thể suy kiệt nặng, đau nhức toàn thân và đặc biệt là đau các cơ bắp, không tự phục vụ được và hoàn toàn không tự đi ngoài được.Hàng ngày mồi lần lau người thay quần áo chúng tôi đã làm rất nhẹ nhàng vì mỗi lần chạm vào là bệnh nhân rất đau,các hộ sĩ phải móc phân cho BN,các chị em hộ sĩ đã nhẹ nhàng khi cho ăn cũng như khi tiêm...Tập thể bác sĩ và hộ sĩ, hộ lý đã cùng quyết tâm chăm sóc điều trị cho BN cho nên cuối cùng đã đưa các anh trở lại với cuộc sống. BN Nguyễn Văn Tố đã để lại bài thơ cho đến hôm nay tôi còn nhớ được vài câu.  
    Ngày đó có nhiều BN sốt rét ác tính hôn mê sâu, chúng tôi đã thức thâu đêm để theo dõi diễn biến của BN khi chúng tôi áp dụng những phác đồ điều trị mới. Cứ vài giờ hộ sĩ lại lấy máu để BS làm tiêu bản và tự soi xem diễn biến của KST sốt rét. Khi BN có dấu hiệu bắt đầu tỉnh lại là cả khoa đều vui mừng. Những năm đó cuộc sống của bộ đội rất kham khổ cho nên  dịch ly trực khuẩn , lỵ amip thường xuyên xẩy ra. Khoa luôn  nhận những BN rất nặng từ các tuyến gửi về, đi ngoài liên tục. Chúng tôi phải khoét giường để cứ thế cho phân chẩy xuống.Cán bộ chiến sĩ trong khoa không sợ lây nhiễm ,hàng ngày âm thầm phục vụ BN, mong sao BN mau khỏi bệnh để trở về đơn vị.
Nhớ lại những kỷ niệm về khoa A4 trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước tôi không thể nào viết lên hết được.Tôi luôn cảm ơn những người thầy, những anh chị đồng nghiệp cũng như  toàn thể cán bộ nhân viên trong khoa đã giúp đỡ tôi từ một BS trẻ ban đầu còn bỡ ngỡ trong nghề rồi trở thành một BS đã vững vàng trong nghề. Sau đó được làm CNK Nhi và cuối cùng gánh trách nhiệm của một PGĐ bệnh viện. Khi là PGĐ bệnh viện tôi lại  tiếp tục được sát cánh bên những người anh như Anh hùng lực lượng vũ trang,Thầy thuốc nhân dân, Thiếu tướng ,GS.TSKH. Bùi Đại khi đó làm Giám đốc bệnh viện, Thầy thuốc nhân dân Thiếu tướng GS Nguyễn Văn Âu PGĐ. Đó là những người từng nhiều năm là CNK của tôi, sau đó lại tiếp tục đã giúp đỡ,chỉ bảo cho tôi trong công tác chỉ huy ,lãnh đạo, giúp tôi hoàn thành được nhiệm vụ của một PGĐ trong suốt 10 năm liền.
   Ngày nay Khoa A4 đã trưởng thành lên rất nhiều cả về chất lượng cũng như về số lượng. Là một người đã cùng chung vai sát cánh xây dựng Khoa, tôi luôn  thầm mong Khoa A4 luôn xứng đáng với truyền thống lâu dài của Khoa qua các thời kỳ, các  thế hệ cán bộ, công nhân viên và luôn xứng đáng với danh hiệu một khoa Anh hùng, cùng với 3 huân chương Chiến công hết sức vẻ vang.  
Đại tá PGS. TS . Nguyễn Kim Nữ Hiếu 
Thầy thuốc nhân dân

3 nhận xét: